Đôi bạn chế tạo thiết bị dạy học cho người khiếm thị

06/03/2017 06:12

Với mong muốn đem lại khả năng tự đọc và viết dễ dàng hơn cho người khiếm thị, em Nguyễn Lê Sang (lớp 12TH1) và em Lê Nguyên Trí (lớp 12TL6), Trường THPT Nguyễn Huệ (TP Tuy Hòa) đã chế tạo ra “Thiết bị dạy học cho người khiếm thị”. Dự án này vừa đoạt giải nhì cuộc thi Sáng tạo Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp tỉnh lần thứ 4 năm học 2016-2017, góp phần khơi dậy niềm đam mê học tập cho nhiều người khiếm thị.

Em Nguyễn Lê Sang (trái) và Lê Nguyên Trí cùng nghiên cứu giải pháp cải tiến thiết bị dạy học cho người khiếm thị - Ảnh: THIÊN LÝ

Ý tưởng sáng tạo
 
Trong một chuyến đi từ thiện giúp đỡ các học sinh khuyết tật đang học tập tại một lớp học tình thương ngoại tỉnh, em Nguyễn Lê Sang đã thấy được sự vất vả của các bạn khiếm thị khi phải dò đọc bằng chữ nổi trên giấy và bảng gỗ. Sang chợt nảy ý định chế tạo ra thiết bị dạy học cho người khiếm thị, giúp họ có thể đọc, viết dễ dàng hơn, từng bước hòa nhập cộng đồng. Em Nguyễn Lê Sang bộc bạch: “Dịp đó, em đã tiếp xúc rất nhiều với trẻ khiếm thị. Được trò chuyện và vui đùa cùng, em càng khâm phục những đứa trẻ ấy. Mặc dù không nhìn thấy nhưng các em luôn khao khát được học tập, tìm hiểu mọi thứ xung quanh mình. Vì vậy, ngay sau chuyến đi, em quyết tâm thực hiện bằng được một chiếc máy để giúp các em phần nào trong việc đọc, viết và có cơ hội tiếp cận với kiến thức trong sách vở nhiều hơn”.
 
Mãi đến năm lớp 11, khi được tiếp xúc với phần mềm Arduino - “Xe điều khiển qua bluetooth”, Sang mới chia sẻ với Lê Nguyên Trí về ý tưởng này, Trí tỏ ra thích thú và nhanh chóng tham gia chế tạo. Thế là Sang và Trí bàn nhau tìm cách chế tạo một thiết bị giúp người khiếm thị đỡ vất vả khi học tập trên nền tảng phần mềm Arduino. Sang và Trí nhận thấy ở các trường hoặc trung tâm khiếm thị, để có sách cho người khiếm thị đọc, giáo viên phải dịch từ văn bản bình thường sang chữ nổi Braille bằng cách chấm thủ công trên giấy mất nhiều thời gian. Trong khi đó, các thiết bị hỗ trợ hiện đại của nước ngoài khá đắt tiền khiến việc học tập và cơ hội hòa nhập của người khiếm thị bị hạn chế và khó đạt hiệu quả cao.
 
Em Lê Nguyên Trí chia sẻ: “Vì chúng em học khác lớp nên quỹ thời gian học tập và nghỉ ngơi của cả hai cũng không trùng nhau. Vì vậy, em và Sang luôn cố gắng sắp xếp thời gian để nghiên cứu cùng nhau. Trong quá trình thực hiện, em đảm nhận mảng thiết kế, còn Sang đảm nhận bên lập trình. Tuy bước đầu, cả hai gặp không ít khó khăn nhưng với quyết tâm của mình, thiết bị dạy học cho người khiếm thị cũng được chế tạo thành công sau 3 tháng ròng nghiên cứu”.
 
Sản phẩm công nghệ hiện đại
 
Là người luôn bên cạnh hỗ trợ và giúp đỡ hoàn thành thiết bị dạy học cho người khiếm thị của Sang và Trí, em Ngô Huỳnh Ngọc Khánh, chủ nhân của máy cắt Laser nghệ thuật KlaserCutter, vui vẻ nói: “Em rất vui thi thấy các em có niềm đam mê sáng tạo khoa học kỹ thuật. Vì vậy, em luôn sẵn sàng hỗ trợ các em bằng những kiến thức và kinh nghiệm của mình. Ban đầu, em tập trung hướng dẫn nền tảng công nghệ cơ bản: Arduino, 3D, Sketchup... Sau khi dự án đoạt giải nhì cuộc thi Sáng tạo Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp tỉnh lần thứ 4, em còn hướng dẫn thêm các phần mềm dùng để cải tiến và nâng cấp thiết bị”.
 
Tuy nhiên, để chế tạo thiết bị trên không chỉ cần kiến thức về lập trình mà còn phải hiểu biết về điện, các loại IC, vi điều khiển, cơ khí... Những kiến thức này chủ yếu chỉ được giảng dạy trong các trường đại học, cao đẳng... Mặt khác, công việc nghiên cứu phần cứng vô cùng tốn kém về đầu tư, mua sắm trang thiết bị. Nhưng bằng sự nỗ lực và động viên của gia đình, cả hai đã vượt qua những thử thách ban đầu để tiếp tục thực hiện đam mê sáng tạo của mình.
 
Sang miêu tả: “Trên thực tế, để người có bệnh về mắt có thể đọc được thì họ chủ yếu áp dụng phương pháp đâm vào giấy tạo ra những lỗ hổng theo đúng chữ cái cần thiết. Dựa vào phương pháp này, em và Trí đã sử dụng phương thức mã hóa ngược để chuyển hóa các chữ Braille thành các chữ nổi thông qua các nút bấm vật lý. Đối với phương pháp này, người sử dụng chỉ cần nhấn các phím trên máy, máy sẽ hiển thị trên khung hiển thị rồi sau đó sẽ truyền thông tin đến website điều khiển vào màn hình LCD để giáo viên hoặc các thành viên trong gia đình có thể thấy được những chữ cái mà người khiếm thị viết lên có đúng hay không”.
 
Thầy Trần Bảy, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Huệ, đánh giá: “Việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào quá trình chế tạo thiết bị đã góp phần nâng cao hiệu quả việc dạy học cho người khiếm thị. Đây là thiết bị mang nhiều tiện ích phù hợp để sản xuất cung cấp cho các trung tâm dành cho người khiếm thị. Hiện thiết bị mới được thử nghiệm tại nhà hai em Sang và Trí”.

Thiết bị dạy học cho người khiếm thị của em Nguyễn Lê Sang và Lê Nguyên Trí được thiết kế theo mô hình mã hóa ký tự đơn giản giúp giáo viên có thể chuyển đổi ngôn ngữ của mình sang ngôn ngữ của người khiếm thị một cách dễ dàng. Ngoài ra, thiết bị còn phát ra âm thanh giúp người khiếm thị tiếp nhận thông tin nhanh chóng, đẩy mạnh hiệu quả học tập, góp phần tạo cơ hội hòa nhập cộng đồng cho người khiếm thị. Tuy nhiên, nhóm tác giả cần chế tạo thêm hệ thống độc lập không cần sử dụng wifi để đơn giản hóa hệ thống sử dụng trong thời gian tới.
 
Trưởng Phòng Giáo dục trung học, Sở GD-ĐT Phú Yên

Dương Bình Luyện

 

THIÊN LÝ

Nguồn: baophuyen.com.vn

 

Tìm kiếm tin rao

Rao Vặt Miễn Phí Phú Yên

Điện thoại: 0916 485 699 - 0906 483 699

Email : chophuyen.vn@gmail.com

Địa chỉ: 87 Lê Trung Kiên - Phường 2 - Tp Tuy Hòa- Phú Yên

Copyright © 2016 - Chophuyen.vn