Nhân viên CTXH tư vấn trợ giúp chế độ cho người cao tuổi TX Sông Cầu - Ảnh: KIM CHI
Lan tỏa tình yêu thương
Năm 2017 là năm đầu tiên thực hiện Ngày Công tác xã hội Việt Nam theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, nhằm ghi nhận vai trò to lớn của nghề CTXH trong đời sống dân sinh. Bên cạnh việc công nhận ngày 25/3 hàng năm là Ngày Công tác xã hội Việt Nam, Thủ tướng còn yêu cầu Bộ LĐ-TB-XH chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan và các địa phương hướng dẫn, tổ chức Ngày Công tác xã hội Việt Nam bảo đảm thiết thực, hiệu quả với mục đích tôn vinh giá trị cao quý, ý nghĩa nhân văn của nghề. |
Ông Võ Văn Binh, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Phú Yên, cho biết: Trong những năm qua, với sự chỉ đạo của UBND tỉnh, sự cố gắng và phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành và địa phương, đề án Phát triển nghề CTXH trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết quả đáng trân trọng. Nhận thức về nghề CTXH của các cấp chính quyền địa phương và nhân dân đã được nâng lên, đội ngũ nhân viên CTXH và mạng lưới dịch vụ CTXH được phát triển. Đặc biệt, hoạt động từ thiện, trợ giúp xã hội tăng về số lượng và đi vào chiều sâu, cùng với các chính sách của Nhà nước góp phần đáng kể trong việc đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Điển hình như năm 2016, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Phú Yên đã vận động các tổ chức cá nhân hỗ trợ 150 suất học bổng, cấp hàng trăm xe lăn cho các đối tượng khuyết tật; thăm hỏi, tặng quà cho 2.383 trẻ em khuyết tật, mồ côi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, với tổng kinh phí hơn 2,8 tỉ đồng. Hay như Hội Người mù Phú Yên tổ chức dạy chữ nổi cho 27 người, dạy nghề cho 24 người; huy động các nguồn vốn cho hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vay với lãi suất thấp. Còn chùa Hải Sơn thì đã tiếp nhận, nuôi 33 trẻ mồ côi, bị bỏ rơi; dạy các em học văn hóa và các môn năng khiếu… Nhờ những hoạt động hỗ trợ này mà các nhóm đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có điều kiện vươn lên trong cuộc sống.
Chị Lê Thị Thạch ở thôn 3, xã An Ninh Tây (huyện Tuy An), là hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, khi các con chị đều bị tật nguyền. Vợ chồng chị làm thuê để kiếm tiền trang trải sinh hoạt và cố gắng nuôi con. Chị chia sẻ: “Những năm qua, nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước, các cấp chính quyền và các tấm lòng hảo tâm, gia đình tôi khó lòng vượt qua nỗi nhọc nhằn”. Còn với các cháu mồ côi, không nơi nương tựa, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như em Nguyễn Trần Út Nhi ở TX Sông Cầu, em Lê Thị Phương ở huyện Sông Hinh…, thời gian qua, nhờ các tấm lòng hảo tâm thông qua các chương trình “Đom đóm thắp sáng tương lai”, “Nhịp cầu nhân ái”… giúp đỡ mà các em vượt khó, có cơ hội tiếp tục đến trường.
Nâng cao nhận thức về nghề công tác xã hội
Qua hơn 5 năm thực hiện đề án Phát triển nghề CTXH, tỉnh đã xây dựng được hệ thống tổ chức nhân sự CTXH tương đối phù hợp. Hiện 112/112 xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh đều có cộng tác viên CTXH, số lượng nhân viên CTXH tăng từ 623 người năm 2010 lên 796 người năm 2016. Đây là sự nỗ lực rất lớn của các cấp, ngành và cả hệ thống chính trị của tỉnh.
Bà Huỳnh Phạm Ái Thy, Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội (Sở LĐ-TB-XH Phú Yên), cho biết: Chương trình “Đom đóm thắp sáng tương lai” do đơn vị chủ công thực hiện thời gian qua đã không ngừng kết nối các nhà hảo tâm, huy động hàng tỉ đồng để tổ chức các hoạt động thiện nguyện, tặng quà cho trẻ em nghèo có số phận bất hạnh, giúp các em tiếp tục có cơ hội đến trường. Đạt được kết quả đó cũng chính nhờ đội ngũ cộng tác viên, tình nguyện viên CTXH đã chung tay, đồng hành cùng đơn vị, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng đối với hoạt động thiện nguyện.
Theo ông Võ Văn Binh, mục tiêu của đề án Phát triển nghề CTXH đến năm 2020 là tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức về nghề này cho các cấp chính quyền và người dân. Các địa phương bố trí sắp xếp và giao nhiệm vụ cụ thể rõ ràng cho đội ngũ cộng tác viên CTXH ở xã, phường; đảm bảo đúng vai trò, chức năng nhiệm vụ của nhân viên CTXH; tiếp tục nâng cao và đa dạng hóa các dịch vụ CTXH tại các cơ sở trợ giúp xã hội, ngoài việc chăm sóc nuôi dưỡng còn phải quan tâm đến các hoạt động học văn hóa, học nghề, thể dục thể thao, kỹ năng sống; tư vấn, tham vấn; tiếp tục duy trì và phát huy hơn nữa các phong trào từ thiện, hỗ trợ nhân đạo với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Đồng thời, các tổ chức có những hoạt động hỗ trợ kịp thời đối với những hoàn cảnh rủi ro, bất hạnh. “Để thực hiện tốt đề án Phát triển nghề CTXH và công tác từ thiện trong những năm đến, Sở LĐ-TB-XH rất mong nhận được sự quan tâm chỉ đạo của UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ngành và đơn vị có liên quan”, ông Võ Văn Binh nói.
KIM CHI
Nguồn:baophuyen.com.vn