Người nuôi tôm ở hạ lưu sông Bàn Thạch đang xử lý nước ao nuôi - Ảnh: ANH NGỌC
Tôm phát triển chậm
Môi trường nhiều vùng nuôi trồng thủy sản trong tỉnh đang có chiều hướng xấu, thời tiết nắng chuyển sang mưa bất thường, bệnh hoại tử gan tụy trên tôm thẻ chân trắng vẫn chưa có biện pháp ngăn chặn hiệu quả. Ông Nguyễn Văn Bút, nuôi tôm ở hạ lưu sông Bàn Thạch (huyện Đông Hòa), cho biết: Gia đình tôi thả nuôi tôm thẻ chân trắng với diện tích khoảng 3.000m2, đến nay đã gần 2 tháng nhưng tôm không lớn và bị hao hụt khoảng 20-30%. Không chỉ tôm nuôi của gia đình tôi, mà tại vùng nuôi thuộc xã Hòa Tâm cũng có tôm thẻ chân trắng bị bệnh, nguyên nhân có thể do thời tiết biến đổi nên sức đề kháng của tôm nuôi bị suy giảm.
Còn ông Trần Văn Sang, nuôi tôm ở xã Hòa Hiệp Nam (huyện Đông Hòa), cho biết: Ngay từ đầu vụ, gia đình tôi cải tạo ao nuôi rất kỹ, chọn mua giống tôm thẻ chân trắng ở cơ sở cung cấp có uy tín và tôm giống được kiểm dịch. Nhưng qua gần 2 tháng nuôi, tôm phát triển rất chậm. Mấy ngày nay, trời đang nắng gắt bỗng chuyển sang mưa nên tôm nuôi rất yếu, bắt mồi kém. Nếu thời tiết tiếp tục bất lợi, gia đình tôi có thể thu hoạch tôm sớm để bán lấy lại vốn đầu tư.
Theo ông Đỗ Kim Đồng, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Đông Hòa, vụ nuôi tôm năm nay ngư dân trong huyện thả nuôi khoảng 250ha tôm thẻ chân trắng, trong đó tập trung tại vùng nuôi hạ lưu sông Bàn Thạch khoảng 200ha. Phòng NN-PTNT huyện phối hợp với các địa phương có nuôi tôm nước lợ phổ biến lịch nuôi và hướng dẫn xử lý ao nuôi thật kỹ trước khi thả giống cũng như khâu chọn con giống phải đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, vụ nuôi tôm năm nay bà con thả giống chậm so với lịch thời vụ, vì thời tiết diễn biến phức tạp. Phòng NN-PTNT huyện đã phối hợp với các đơn vị chức năng kiểm tra và xử lý hơn 1.600 con tôm giống bố mẹ không rõ nguồn gốc và xử lý nhiều lô tôm giống chưa qua kiểm dịch. Đến nay, khoảng 15ha tôm thẻ chân trắng từ 25-40 ngày tuổi bị bệnh. Qua kiểm tra ban đầu, cơ quan chức năng xác định tôm nuôi bị bệnh hoại tử gan tụy và đốm trắng. Trước tình hình này, tỉnh hỗ trợ cho huyện 4 tấn hóa chất chlorine từ nguồn dự trữ quốc gia để xử lý môi trường vùng nuôi.
Cũng do thời tiết bất lợi, tại TX Sông Cầu, đến thời điểm này chỉ có khoảng 300/600ha tôm được thả nuôi; huyện Tuy An chỉ có 140/460ha tôm được thả nuôi. Tôm nuôi tại hai địa phương này tuy chưa xảy ra dịch bệnh, nhưng cũng chậm phát triển.
Tăng cường quản lý vùng nuôi
Theo Trung tâm Giống và kỹ thuật thủy sản (Sở NN-PTNT), tại vùng nuôi tôm hạ lưu sông Bàn Thạch một số chỉ tiêu hóa lý trong nước vượt ngưỡng giới hạn cho phép. Ông Ngô Xuân Lai, Phó Giám đốc Trung tâm Giống và kỹ thuật thủy sản, cho biết: Đơn vị đã có khuyến cáo người nuôi cần tăng cường sục khí cho ao nuôi, sử dụng các chế phẩm sinh học, cấy men vi sinh định kỳ 1 lần/tuần để ổn định pH (không để pH vượt quá ngưỡng 8,5 sẽ làm tăng tính độc của NH3); định kỳ siphon loại bỏ chất hữu cơ trong ao nhằm giảm hàm lượng NH3 ở đáy ao. Một số vùng nuôi có PO4 vượt ngưỡng giới hạn cho phép, khiến nguồn nước ngầm tại khu vực này có nguy cơ phú dưỡng hóa ở thủy vực và sự phát triển của các loài tảo, vi tảo trong thời gian tới là rất cao. H2S càng độc hơn khi pH hạ thấp (không để pH thấp hơn ngưỡng cho phép 6,5), nhưng H2S dễ bay hơi nên người nuôi cần tăng cường sục khí và cung cấp oxy cho đáy ao để loại trừ H2S. Nếu hàm lượng TSS vượt ngưỡng giới hạn cho phép, người nuôi nên sử dụng các loại vôi Zeolite, Diatomite và chế phẩm sinh học để làm trong nước. Đối với các vùng nuôi có hàm lượng DO thấp hơn ngưỡng cho phép, có nguy cơ tồn đọng nhiều chất hữu cơ, người nuôi cần quản lý tốt lượng thức ăn, không để thức ăn dư thừa. Trung tâm Giống và kỹ thuật thủy sản khuyến cáo người nuôi tôm khi sử dụng vi sinh dạng bột thì cần phải cho vào xô sục 12-24 giờ để chủng vi sinh thích nghi với môi trường và phát triển ở mật độ thích hợp rồi đưa xuống ao mới có hiệu quả. Không sử dụng vi sinh dạng bột đánh trực tiếp xuống ao, hiệu quả sẽ không cao.
Việc xảy ra dịch bệnh đối với các đối tượng thủy sản nuôi có liên quan đến nhiều yếu tố, như: chất lượng con giống, diễn biến của thời tiết phức tạp, trình độ thâm canh, vùng nuôi chưa được quy hoạch bài bản, ô nhiễm vùng nuôi… Theo quy hoạch, vùng nuôi thủy sản nước lợ ở hạ lưu sông Bàn Thạch có khoảng 950ha. Mấy năm gần đây, vùng nuôi này chưa được quy hoạch bài bản, công tác quản lý vùng nuôi chưa chặt chẽ, ý thức người nuôi chưa thật tốt nên tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi diễn biến khá phức tạp.
Ông Đỗ Kim Đồng cho biết: Nhằm kiểm soát dịch bệnh thủy sản, hạn chế thấp nhất mức độ thiệt hại cho người nuôi, UBND huyện đã triển khai kế hoạch phòng chống dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản năm 2017. Theo đó, các ngành chức năng của huyện tăng cường công tác kiểm tra, kiểm dịch giống thủy sản, xử lý nghiêm các trường hợp con giống nhập vào không rõ nguồn gốc, kém chất lượng. Huyện cũng đề nghị các ngành chức năng của tỉnh thường xuyên lấy mẫu vật nuôi đưa đi xét nghiệm các loại bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi tại các vùng nuôi và các cơ sở sản xuất giống trên địa bàn huyện nhằm phát hiện sớm, cảnh báo tình hình dịch bệnh cho cộng đồng nuôi, kịp thời áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh hiệu quả cho động vật thủy sản. Lấy mẫu nước tại các vùng nuôi để phân tích, đánh giá các yếu tố thủy lý, thủy hóa và thủy sinh để thông báo kịp thời cho công tác quản lý, chỉ đạo sản xuất, hạn chế dịch bệnh xảy ra...
Sở NN-PTNT cần chủ động thiết lập hệ thống giám sát dịch bệnh thủy sản từ tỉnh đến cơ sở để tiếp nhận và sớm thông tin tình hình dịch bệnh và có biện pháp xử lý kịp thời, hạn chế lây lan trên diện rộng. Các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, vận động người dân lựa chọn con giống thả nuôi đạt chất lượng, có chứng nhận kiểm dịch của cơ quan có thẩm quyền và phải được xét nghiệm các bệnh nguy hiểm. Các đơn vị chức năng và địa phương cần giám sát vùng nuôi, quan trắc môi trường phục vụ nuôi trồng thủy sản; thông báo kết quả quan trắc và khuyến cáo cho người nuôi biết để phòng chống dịch bệnh kịp thời.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế |
ANH NGỌC
Nguồn: baophuyen.com.vn